“Vua chè” vùng cực Bắc

Thư thái trong bộ quần áo “rất quê”, không com lê, cà vạt, không điện thoại đắt tiền, vẫn chiếc phôn nối dài trong tay cùng nụ cười đầy thâm thúy – Nguyễn Thanh Hùng lúc có mặt giữa rừng chè cổ thụ, khi trên Cao Bồ, lúc dưới Tân Lập… để trở trăn, lo toan cho những vụ chè kỳ vọng của hàng nghìn hộ đồng bào.

Cây chè Hà Giang cũng thăng trầm như vùng đất nơi đây và cũng thăng trầm như cuộc đời của Nguyễn Thanh Hùng vậy. Để rồi khi tôi gặp anh, cây chè, ngành chè, hay Công ty Thương mại Hùng Cường của anh đã “nổi đình nổi đám”, có tên trong ngành chè cả nước.

Không đơn giản như nói, không dễ như tôi viết mà vào nhiều thời kỳ, vào nhiều giai đoạn khác nhau, cây chè đã có lúc lên trời, có lúc lại lênh đênh giữa biển khơi, nhưng dẫu sao nó vẫn là cây “mũi nhọn”. Để có được hình hài cây chè trong nền kinh tế của Hà Giang, mang lại tên tuổi trong làng chè Việt Nam dễ mấy ai quên cái tên Hùng Cường, một công ty đã trở thành thương hiệu. Đó là chè Lũng Phìn, chè Phìn Hồ, chè San tuyết Hoàng Su Phì, chè Túng Sán… chỉ cần nhắc đến thôi là cái mùi đắng ngọt đã ngấm dần vào da thịt.

Cùng với thời kỳ đổi mới nền kinh tế đất nước, cũng là cơ hội cho Nguyễn Thanh Hùng vượt lên chính mình để có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường ở thị trấn Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã được đón nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước tới thăm. Công ty cũng là một “nhát cắt”, một sự khẳng định cho nền công nghiệp chế biến, bảo hộ xuất khẩu đầu tiên của sản phẩm chè Hà Giang, góp mặt với thị trường chè thế giới. Vượt qua những trở ngại về tài chính, Nguyễn Thanh Hùng đã bán đi cả ngôi nhà của mình ở phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang để có được nguồn vốn ban đầu, mở một xưởng chế biến chè “mi ni”, đủ cho mấy anh em trong nhà, họ hàng tập trung lại sản xuất. Đã có lần ông Giám đốc Nguyễn Thanh Hùng đạo mạo bây giờ và ông Giám đốc “xắn quần” quá gối ngày ấy nói với tôi: “Mình yêu cây chè lâu rồi, thích cây chè lâu rồi, nhưng không được phép làm mà chỉ đứng nhìn, để rồi tặc lưỡi “tiếc của giời” thôi. Còn bây giờ được hưởng nền kinh tế mở cửa thì mình lại thiếu vốn, thiếu cơ sở sản xuất. Mỗi lần vào mùa chè, mình thế chấp cả xưởng mới vay nổi vài ba chục triệu, thế là cứ phải “quay như cái đèn cù” mới đủ tiền để thu gom nguyên liệu cho vụ sản xuất mới”.

Nhưng muốn có một cơ sở sản xuất bền chặt, Nguyễn Thanh Hùng đã không ngần ngại bỏ ra cả xuất lương và lời lãi của mình, trích phần trăm tiền lãi để đầu tư cho đồng bào vùng chè, mở cánh cửa cho họ để họ gắn mô hình kinh tế hộ với cây chè, cũng là cách gắn bó họ với công ty lâu dài, bền chặt. Như việc cung cấp phân bón không thu tiền theo tỷ lệ họ bán nguyên liệu cho công ty hay cung ứng theo kiểu “biếu không” dầu đốt, muối ăn, công cụ sản xuất cho những người nông dân dân tộc ít người còn thiếu thốn… Doanh nghiệp anh đã có những bước tiến dài qua thời kỳ đầy khó khăn của buổi đầu lập nghiệp. Tuy xoá bỏ nền kinh tế bao cấp, mở cửa đón nhận nền kinh tế thị trường, nhưng chính quyền địa phương cũng không muốn mất ngay những mô hình kinh tế mà Nhà nước đã bao năm xây dựng. Cũng bởi thế, cái uy thế của một doanh nghiệp Nhà nước là lớn lắm, không dễ cạnh tranh, dù rằng đã có nhiều chính sách, văn bản pháp qui, qui định bảo hộ của ngành kinh tế. Thậm chí trong thời kỳ này, đã có nhiều tư thương, nhiều xí nghiệp tư nhân phải thu gom nguyên liệu về đêm để tránh sự đụng độ hay còn được gọi là cạnh tranh với công ty Nhà nước.

Nhưng rồi mọi chuyện cũng nhanh chóng qua đi, đã là nền kinh tế thị trường thì phải bình đẳng. Cũng trong thời gian này, làm được bao nhiêu, Nguyễn Thanh Hùng đều đầu tư cho xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc, chăm lo cho người trồng chè để mở rộng vùng nguyên liệu. Từ mấy anh em trong nhà “tự xoay”, rồi đến thuê lao động thời vụ, tuyển công nhân. Mỗi một việc làm là một sự tính toán đến khắt khe của anh về kinh tế, về quy mô sản xuất, về vùng nguyên liệu. Đặc biệt, anh đã tìm đến những chuyên gia chè có “nghề” lâu năm trong ngành chè, như Nông trường Chè Phú Thọ, Tổng Công ty Chè Việt Nam; sang tận Trung Quốc mời chuyên gia, sang Nhật Bản học cách thức làm chè, chế biến chè của họ. Cứ thế, Nguyễn Thanh Hùng “yêu” chè, say mê chè như “tình nhân”.

Đã có lần Nguyễn Thanh Hùng tâm sự: “Lạ thật, mỗi lần có một cây chè cổ thụ không hiểu vì tuổi già hay sâu bệnh mà chết, mình cứ ngẩn ngơ như mất đi một người thân…”. Anh cũng bảo, đêm nằm mường tượng, mình nhớ hết hình dạng những cây chè cổ thụ ở mỗi vùng mình đã đến. Cây này tán nghiêng lên hướng Bắc, cây kia lại cúi đầu xuống hướng Nam. Cây này mép lá tía lên như viền một màu mực tím, cây kia lại có màu hoa ngả sang vàng hay sẫm màu cam đậm chứ không hẳn đã trắng tinh như thường tình nhìn thấy. Mùa cho quả, có những cây toàn cho quả ba hạt, có những cây chỉ cho quả hai hạt hay một hạt. Nhưng có lẽ nhớ nhất là hai cây chè sóng đôi ở cổng một gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, nếu theo chuyện kể lại của họ thì hai cây chè đã có cách đây gần một trăm sáu mươi năm, bởi cái thời ông bà cố nhà họ trồng, đã qua năm đời mà mùa búp nào cũng đậm đà những búp chè tím sương, mọng nước…

Nguyễn Thanh Hùng đưa tôi đi xem khu vườn anh ươm trồng cau, trồng hoa nhài làm hương liệu cho sản xuất chè chất lượng cao. Anh tâm sự: Nếu không yêu cây chè thực thụ, không gắn quyền lợi của mình với người trồng chè thì không tồn tại ở ngành chế biến trà lâu được. Chỉ riêng có cây hoa nhài thôi, anh đã mở rộng diện tích ra hàng chục héc ta, được trồng rải rác trong các hộ nông dân quanh vùng. Cây hoa nhài được trồng xen canh trong vườn cây ăn quả, bên bờ rào, bờ suối, quanh nhà, đã tạo ra một nguồn thu nhập thường xuyên cho hàng trăm hộ mà lại chống được cỏ dại, chống được xói mòn trong mùa mưa. Công ty của anh đang chế biến, sản xuất mấy chục loại chè thành phẩm khác nhau, như chè xanh, chè vàng, chè đen, chè hương nhài, chè bánh, chè đắng, chè dây, chè túi lọc, chè phổ nhĩ… Mỗi loại chè đều được anh nghiên cứu cẩn thận, tham khảo các chuyên gia, tài liệu, đưa ra những hướng dẫn sử dụng và tác dụng của từng loại chè đối với người tiêu dùng.

Anh đưa cho tôi xem nhiều giải thưởng mà công ty của anh đã được đánh giá qua các hội chợ ngành chè, hội thi trà ở các vùng miền trong cả nước, như giải thưởng “Búp chè Vàng”, “Quả cầu Vàng”, rồi giải thưởng của tỉnh, của huyện, của Trung ương… Nhưng cái được lớn nhất của anh mà theo tôi là anh đã mang về cho cây chè Hà Giang một thương hiệu, một nhãn hiệu trong lòng người tiêu dùng trên toàn quốc và quốc tế. Anh cũng mang về những thu nhập, những việc làm cho hàng chục nghìn hộ nông dân, hàng nghìn lao động phụ và hàng trăm công nhân, lao động có thu nhập ổn định tại công ty.

Bứt phá, đánh đổi cả gia tài vào tình yêu cây chè, đánh đổi vị trí nhà ở giữa lòng TP Hà Giang, đến với vùng chè, vùng đất hoang đầy lau lách, Nguyễn Thanh Hùng đã thành công bằng quyết tâm sẵn có của mình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trong vùng nguyên liệu. Cây chè đã và đang là một trong những cây mũi nhọn cho định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang.

Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/ampvua-cheamp-vung-cuc-bac-post26881.html